"Trao cần câu, dạy cách câu để người dân thoát nghèo bền vững"

Doãn Công

(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh quan điểm, công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2024-2025 phải quyết liệt, triệt để, chi tiết, cụ thể các giải pháp trên cơ sở nhận diện rõ nguyên nhân nghèo.

Ngày 4/5, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì hội nghị triển khai công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2024-2025.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân.

Trao cần câu, dạy cách câu để người dân thoát nghèo bền vững - 1

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Thùy Trang).

"Quan điểm về công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2024-2025 là phải quyết liệt, triệt để, chi tiết, cụ thể các giải pháp trên cơ sở nhận diện nguyên nhân nghèo để thoát nghèo bền vững", ông Tuấn nói.

Ông Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan, các địa phương là phải bám sát các giải pháp đã đề ra, lên kế hoạch cụ thể, có phân kỳ cho từng đầu việc một, có báo cáo tiến độ cho từng tháng, từng quý.

Cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, trong đó chủ trì là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội đồng hành, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo.

"Giải pháp giảm nghèo không chỉ là "trao cần câu" hay "trao con cá" mà phải "dạy cách câu", "tạo con cá". Như vậy mới giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân chung của cả nước và đưa huyện An Lão thoát nghèo", ông Tuấn nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia công tác giảm nghèo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nỗ lực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Phát huy hiệu quả phong trào Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; kịp thời phát hiện, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình…

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, qua 3 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững đời sống nhân dân tại các vùng nghèo, vùng khó khăn đã được cải thiện nâng cao, đã có 26.792 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin.

Trao cần câu, dạy cách câu để người dân thoát nghèo bền vững - 2

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thùy Trang).

Kết quả đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh Bình Định chiếm 6,15% với 27.160 hộ nghèo, hộ cận nghèo, giảm gần 2,9% tỷ lệ nghèo đa chiều với 12.667 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bình Định còn cao hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước (tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cuối năm 2023 còn 3,13% so với cả nước là 2,93%); chưa đạt theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là giảm 1,5-2%/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi là 20,68%).

Trao cần câu, dạy cách câu để người dân thoát nghèo bền vững - 3

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen cho 11 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2023 (Ảnh: Thùy Trang).

Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương, sở, ngành đã chia sẻ những giải pháp giảm nghèo bền vững; hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần giảm nghèo bền vững; tín dụng chính sách giúp người nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo… Đồng thời, mạnh dạn đề xuất những nội dung, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện giảm nghèo trong thời gian tới.