Mức hưởng lương hưu hàng tháng của thiếu tá quân đội

Lê Thanh Xuân

(Dân trí) - Muốn hưởng lương hưu, thiếu tá cần phải đạt đủ độ tuổi về hưu và số năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Hiện nay, các quy định về điều kiện hưởng lương hưu và mức lương hưu hàng tháng của thiếu tá quân đội sẽ được hướng dẫn cụ thể tại Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 9 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP và Điều 13 Thông tư liên tịch số 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.

Như vậy, mức hưởng lương hưu hàng tháng của nhóm này được xác định bằng tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Về cách tính tỷ lệ phần trăm của việc hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu và hưởng lương hưu trong khoảng từ 1/1/2016 đến trước 1/1/2018 thì tỉ lệ ở đây là 45% tương ứng với 15 năm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian còn lại thì được tính đó là cứ thêm 1 năm thì được cộng thêm 2% đối với lao động nam và 3% đối với lao động nữ. Mức cộng dồn tối đa không quá 75%.

Khi tính tỉ lệ lương hưu nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến đủ 6 tháng được tính là nửa năm, từ 7 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

Người lao động là nam đủ điều kiện nghỉ hưu và hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 trở lại đây thì tỉ lệ hưởng lương hưu là 45% nếu nghỉ hưu vào năm 2018 thì là 16 năm, nghỉ vào năm 2019 thì là 17 năm, nghỉ vào năm 2020 là 18 năm, nghỉ vào năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 thì mức tính bắt đầu từ 20 năm. Thêm 1 năm thì cộng thêm 2% và mức cộng dồn không quá 75%.

Người lao động là nữ đủ điều kiện nghỉ hưu và hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 trở lại đây thì tỉ lệ lương hưu là 45% và cứ mỗi năm thì được công thêm 2%, mức cộng dồn cao nhất không quá 75%.

Thiếu tá muốn hưởng lương hưu cần phải đạt đủ độ tuổi về hưu và số năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Về điều kiện nghỉ hưu, tại điểm a, khoản 2, Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định: Nam quân nhân có đủ 25 năm trở lên, nữ quân nhân có đủ 20 năm trở lên công tác trong quân đội, trong đó có ít nhất 5 năm tuổi quân mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được, nếu nghỉ việc thì được hưởng lương hưu.

Về thời gian công tác trong quân đội, bao gồm thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan - chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng, kể cả thời gian quân nhân chuyển ngành sau đó do yêu cầu nhiệm vụ được điều động trở lại phục vụ quân đội.

So với quy định về tuổi nghỉ hưu chung, cán bộ thuộc quân đội hiện áp dụng tuổi phục vụ tại ngũ thấp hơn. Theo luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi năm 2019, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan quân đội được phân theo cấp bậc hàm.

Cụ thể, cấp úy là 46 tuổi; cấp thiếu tá là 48 tuổi; cấp trung tá là 51 tuổi; cấp thượng tá là 54 tuổi. Các độ tuổi nói trên áp dụng cho cả nam lẫn nữ. Từ cấp đại tá, hạn tuổi cao nhất đối với nam là 57 tuổi, còn nữ là 54 tuổi. Đối với cấp tướng thì nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi.

Trong khi đó, năm 2024, theo lộ trình tăng dần, tuổi nghỉ hưu với lao động nam là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng, cao hơn đáng kể so với tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội.